Năm 2022, máy tính trong giáo dục là sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Máy tính trong giáo dục là 1 trong 16 sản phẩm, dòng sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.
Đây là nội dung mới của Thông tư 19/2021/TT-BTTT về danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm sẽ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Theo Thông tư 19/2021/TT-BTTT, danh mục mới về sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm gồm 16 sản phẩm, dòng sản phẩm công nghệ. Trong đó có: Thiết bị, phần mềm mạng viễn thông 5G và các thế hệ sau; Thiết bị, phần mềm nền tảng internet kết nối vạn vật (IoT); Điện thoại di động thông minh 4G và các thế hệ mạng sau; Camera thông minh, camera trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm phân tích, xử lý và quản lý dữ liệu thu được từ camera; Sản phẩm vi mạch (IC) cho viễn thông, công nghệ thông tin, IoT; Sợi quang, cáp quang và các thiết bị truyền dẫn, kết nối trong thông tin quang; Máy tính cho giáo dục.
Ngoài ra, trong danh mục còn đề cập đến các thiết bị, phần mềm nền tảng định danh và xác thực điện tử; thiết bị và phần mềm của hệ thống điện toán đám mây; phần mềm nền tảng phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data); sản phẩm phần mềm ứng dụng công nghệ blockchain; phần mềm nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; sản phẩm an toàn thông tin mạng (sản phẩm an toàn cho thiết bị đầu cuối; sản phẩm an toàn lớp mạng; sản phẩm an toàn lớp ứng dụng; sản phẩm bảo vệ dữ liệu)…
Các dự án đầu tư, sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-BTTTT về danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm đã được áp dụng chính sách ưu đãi, ưu tiên trước ngày Thông tư 19/2021/TT-BTTT có hiệu lực (ngày 2/2/2022), sẽ tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư nghiên cứu – phát triển, sản xuất cho đến hết thời hạn ưu đãi, ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư 20/2021/TT-BTTT về việc thay thế danh mục sản phẩm phần mềm tại Thông tư 09/2013/TT-BTTTT bằng danh mục mới gồm 5 nhóm sản phẩm phần mềm là nhóm phần mềm hệ thống, nhóm phần mềm ứng dụng, nhóm phần mềm công cụ, nhóm phần mềm tiện ích và các phần mềm khác.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/2/2022. Các sản phẩm phần mềm đã được xác định thuộc danh mục sản phẩm phần mềm trước ngày 2/2/2022 tiếp tục được áp dụng theo đúng mục đích của danh mục tại Thông tư 09/2013/TT-BTTTT.
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ vào yêu cầu quản lý và tình hình phát triển của từng thời kỳ để ban hành danh mục mới sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm là nhằm hình thành hệ thống sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; làm sở cứ phục vụ cho các hoạt động đầu tư; áp dụng chính sách thuế và chính sách ưu đãi; quản lý xuất nhập khẩu; quản lý chất lượng và những hoạt động khác liên quan tới sản phẩm công nghệ thông tin. Đồng thời, đây cũng là một bước tiến trong việc điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp hơn với tình hình phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.