Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), khi xem danh sách bổ nhiệm huấn đạo các huyện trong cả nước có nhiều người trẻ tuổi, nhà vua đã sai bỏ đi 17 người. Sau đó vua Minh Mạng chuẩn y lời tâu của bộ Lại xin từ nay bảo cử (tức tiến cử có bảo lãnh) chức giáo quan ở huyện thì các hương cống sinh đồ lấy từ 40 tuổi làm hạn, các sĩ nhân nổi tiếng chưa từng thi đỗ thì lấy 50 tuổi làm hạn, cho bộ Lễ và quan Quốc tử giám hội đồng sát hạch rồi tâu lên. Ai có học hạnh có thể dạy được học trò, xét ở đâu khuyết thì bốc thăm mà bổ nhiệm.
Vua Minh Mạng cũng từng dụ bảo bộ Lễ rằng: “Đặt ra giáo chức là để làm khuôn mẫu cho học trò, chẳng phải chỉ để cho đủ số quan. Trước đây đặt huyện giáo, hoặc dùng người cử tri, hoặc sinh viên ở Quốc tử giám, gần đây nghe nói có nhiều người không xứng chức, trách nhiệm người làm thầy sao có thể phiếm lạm như thế! Vậy hạ lệnh cho quan địa phương sở tại xét rõ huấn đạo các huyện ai có học hạnh mà sĩ tử tin theo, hoặc ai học thức nông hẹp quả không xứng chức thì đều phân biệt tâu lên, đợi trẫm bỏ hoặc lấy; nếu có chỗ khuyết mà bổ thì nên chọn người học rộng đứng tuổi sung bổ. Huyện nào học trò còn ít mà nên bỏ bớt thì cũng tâu xin đình bổ”.
Vua Minh Mạng cũng muốn căn cứ vào số lượng sĩ tử thi đỗ để đánh giá học quan. Sau kì thi Hương, vua xem danh sách sĩ nhân thi đậu nhiều ít của các hạt để sai bộ Lại lượng bàn thưởng phạt các học quan. Bộ Lại tâu lên rằng: “Sĩ tử thành đạt nhiều hay ít là do học quan giảng học chăm hay lười, phải nên định thưởng phạt để nêu rõ ra cho biết răn khuyên”.
Như lời tâu của bộ Lại thì sau kỳ thi Hương, sĩ tử của mình có một người trúng Cử nhân, thì Huấn đạo được thưởng kỷ lục 1 thứ (như kiểu được nhận một bằng khen, đủ 4 – 5 bằng khen sẽ được thăng 1 cấp), trúng 4 người thì gia 1 cấp; trúng 2 người thì Giáo thụ được thưởng kỷ lục 1 thứ, trúng 8 người thì gia 1 cấp; trúng 4 người thì Tế tửu, Tư nghiệp, Đốc học, được thưởng kỷ lục 1 thứ, 16 người thì gia 1 cấp…
Ngược lại, nếu kì thi đó sĩ nhân không trúng một người nào, mà học quan tại chức 1 năm, thì phạt bổng 6 tháng; tại chức 1 năm rưỡi phạt bổng 9 tháng; tại chức 2 năm, phạt bổng 1 năm; tại chức 3 năm thì giáng 1 cấp. Sĩ nhân làm bài không thành văn lý, hay bỏ trắng không đủ bài, 1 người thì Giáo thụ bị phạt bổng 6 tháng, 3 người thì giáng một bậc; tội chỉ đến giáng 3 cấp lưu là thôi; Huấn đạo thì được giảm 1 bậc, tội chỉ đến giáng hai cấp lưu; Tế tửu, Tư nghiệp, Đốc học thì xử nặng hơn 1 bậc, tội chỉ đến giáng 4 cấp đổi đi. Lấy công và lỗi so với nhau chiếu lệ chiết trừ; công hơn, hoặc lỗi hơn thì lấy số hơn mà định thưởng phạt.
Mùa thu năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua sai Bắc Thành và hai trấn Thanh Nghệ cử những hương cống từ thời Lê, ai có thể làm được giáo chức thì đem tên tâu lên. Vua dụ bộ Lễ rằng: “Đặt giáo chức là để rèn luyện nhân tài, dành làm của dùng cho nước. Chọn người làm chức ấy là quan hệ đến việc mô phạm, nên trẫm nghĩ rằng các hương cống đời Lê hãy còn nhiều người là bậc văn học lão thành, giảng dạy các trường tư, lại là nghiệp sẵn. Vậy hạ lệnh cho các quan địa phương ở Bắc Thành và Nghệ An chỉ tên tâu lên, đợi chỉ kén dùng”.
Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), triều Nguyễn cho triệu tú tài tuổi bốn chục trở lên có khả năng làm giáo chức do các địa phương, về kinh khảo thí. Kết quả hạng bình và hạng ưu được 142 người, đều cho dùng bổ huấn đạo, còn người không trúng thì cho về học tập.
Do triều Nguyễn thường bổ các sĩ tử đỗ Cử nhân (qua kì thi Hội) làm tri phủ, tri huyện, lấy các tú tài bổ làm học quan, nên Tổng đốc Hải – Yên (hai tỉnh Hải Dương – Yên Quảng, tức vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay) là Nguyễn Công Trứ đã tâu rằng: “Học quan phần nhiều không được sĩ tử tin theo; do triều đình bổ người chỉ đỗ tú tài, học thức không có gì trội hơn người, nên không làm thoả được lòng trông mong của sĩ tử”.
Nguyễn Công Trứ xin lấy những cử nhân hậu bổ điền vào danh sách học quan; còn tú tài làm giáo thụ, huấn đạo trước đó thì cho về học thêm, để đợi kỳ thi. Tuy nhiên, vua Minh Mạng đáp rằng: “Giáo thụ, huấn đạo không được sĩ tử tin theo, tệ ấy thực có đã lâu, duy học thần hay hay dở, đã có chương trình phân xử rồi. Nay muốn rút những tú tài làm giáo huấn về, mà bổ cử nhân thay vào, chắc đâu những cử nhân học thức đã hơn hết cả tú tài? Tóm lại, nắn quá hoá hỏng, khó thi hành được!”.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều Nguyễn định khoá lệ xét hạch các học thần. Đốc học tại chức đủ 3 năm, do tỉnh thần xét thực đề rõ là người có văn chương, sư phạm được sĩ tử tin theo, mà tuổi hơi cao, thì cho thăng hàm, lưu tại chức. Người nào sức lực còn mạnh thì cho thăng dụng; còn ai tài học tầm thường, không hài lòng sĩ tử thì giáng 1 cấp, bắt về hưu.
Các hạng xét duyệt gồm: Hạng thứ nhất là những người nào có văn chương, sư phạm, được sĩ tử tin theo, lại biết hăng hái cố gắng bội phần, thì cho thăng hàm, lưu chức. Hạng thứ nhì là những người nào làm việc bình thường, giữ bổn phận, làm đúng chức, cũng cho lưu chức, đợi 6 năm bổng mãn, cho sát hạch lại, trình bày rõ cả những lời đã khảo hạch để tâu lên, sẽ liệu cho thăng dụng. Hạng cuối là những người tài học tầm thường, không kham nổi giáo chức, sẽ phải giáng 1 cấp, bắt về hưu.