Lịch sử thành môn bắt buộc có làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành?
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
20-07-2022 8:18 AM | Xã hội
SKĐS – Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ chính thức bước vào năm học mới 2022-2023, việc Lịch sử trở thành môn bắt buộc có làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành?
Sửa môn Lịch sử thành bắt buộc có ảnh hưởng đến các môn học khác?
Trước băn khoăn về việc điều chỉnh môn Lịch sử có ảnh hưởng gì tới chương trình tổng thể các môn học, GS.TS Đỗ Thanh Bình, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều khẳng định, với cách điều chỉnh này, căn bản chương trình mới là ổn định. Cụ thể, trước đây các em học 7 môn bắt buộc, 5 môn tự chọn thì nay sẽ thành 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn theo tổ hợp. Nghĩa là mỗi em học sinh vẫn học tổng số 12 môn học.
Đồng thời, việc điều chỉnh không gây ảnh hưởng hay cần phải chỉnh sửa gì chương trình môn Sử ở cấp THCS. Những nội dung nào ở bậc THCS đã được học thì sẽ được cắt bỏ ở bậc THPT. Hơn nữa, chương trình Lịch sử THCS vẫn tiếp tục được coi như nền tảng tạo cho các em kiến thức chung cốt lõi. Lên đến THPT, các em sẽ học theo các chủ đề mang tính khái quát, nâng cao hơn.
GS.TS Đỗ Thanh Bình cho biết, theo thiết kế trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử là môn tự chọn với 70 tiết/năm theo chủ đề cốt lõi và 35 tiết chuyên đề nghiêng về lựa chọn nghề nghiệp. Phần chủ đề cốt lõi này sẽ được đưa vào phần bắt buộc. Tuy nhiên, nếu tất cả học sinh THPT phải học 70 tiết chủ đề cốt lõi, vốn trước đây xây dựng cho các em có định hướng theo chuyên ngành Khoa học xã hội sẽ là hơi nhiều. Do đó, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia thống nhất tinh giản thành 52 tiết. Như vậy, tổng số tiết môn Sử bắt buộc là 156 tiết/3 năm THPT, tức nhiều hơn so với 140 tiết/3 năm THPT của chương trình hiện hành.
Theo GS. Bình, 52 tiết là phù hợp với đại trà tất cả học sinh. Còn với những em nào định hương theo học ngành Xã hội nhân văn thì ngoài 52 tiết đại trà sẽ cộng thêm 35 tiết chuyên đề sâu.
Nguyên tắc của cắt giảm nội dung môn Sử là không ảnh hưởng đến tổng thể chương trình học, đảm bảo tính logic, tính hệ thống. Một nguyên tắc nữa của cắt giảm là đảm bảo chương trình phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ nhận thức học sinh phổ thông cũng như vùng miền. Và một nguyên tắc theo GS Bình đặc biệt chú ý là chương trình sẽ chú trọng đến lịch sử dân tộc, lịch sử Việt Nam về cả nội dung và thời lượng.
Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành
Ngày 19/7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý Chương trình môn lịch sử cấp THPT điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội. Trong Chương trình GDPT môn lịch sử cấp THPT, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cử tri về việc môn lịch sử là môn tất cả học sinh được học ở cấp THPT và thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội về môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT đã giao Ban Phát triển chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018 thực hiện việc rà soát, điều chỉnh chương trình môn lịch sử.
Ban Phát triển chương trình đề xuất phương án điều chỉnh đó là: Giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập Lịch sử 35 tiết/lớp/năm học của CT GDPT 2018. Chuyên môn Lịch sử trong nhóm KHXH thành phần lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học. Ngoài ra, những điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc phải được dựa trên 8 nguyên tắc chính đã được đưa ra.
Thách thức cho những người thiết kế chương trình
Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc xây dựng lại chương trình, thiết kế thành môn bắt buộc ở môn Lịch sử là nền tảng, cơ bản cho đại trà học sinh. Yêu cầu cần đặt ra là xây dựng phẩm chất nền tảng cho tất cả học sinh, không phải định hướng nghề nghiệp nên đây cũng là thách thức cho những người thiết kế chương trình khi chuyển từ 70 tiết thành 52 tiết.
Mặt khác, việc điều chỉnh Chương trình lịch sử phần bắt buộc với cấp THPT đã giảm những kiến thức hàn lâm, tăng tính truyền thống để học sinh thêm yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng Việt Nam. Bảo đảm được cấu trúc, tinh thần định hướng nghề nghiệp không thay đổi. Học sinh có phần lựa chọn để định hướng nghề nghiệp tốt nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc điều chỉnh không phải là xây mới mà thực chất điều chỉnh giữa phần bắt buộc và lựa chọn. Do đó mong muốn ý kiến đóng góp xem đã đáp ứng được kiến thức cơ bản, nền tảng cho tất cả đối tượng học sinh hay chưa; cách giải quyết (việc giảm chủ đề) hợp lý không; nội dung nêu đã bảo đảm tính khoa học chưa; tính sư phạm có bảo đảm yêu cầu hay không…
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, chương trình cũng như đồng thuận cao về 8 nguyên tắc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc. Các thầy cô cũng nêu lên mong muốn trong việc tập huấn giáo viên, đưa ra hướng dẫn triển khai chung… Các nhà khoa học chuyên ngành lịch sử cũng đánh giá cao những điều chỉnh và khẳng định đây là cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học lịch sử.
Tới đây, Ban Phát triển chương trình môn lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 sẽ nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp nhất sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc.