Nhiều chính sách giáo dục đã tác động tích cực đến an sinh xã hội
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Lan Anh20/6/2022 – 17:23 (GMT+7)
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với điểm cầu các Sở GD&ĐT trong cả nước. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội cùng sự tham dự đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, các đồng chí thành viên, thư ký Ban Chỉ đạo theo QĐ 845/QĐ-BGDĐT ngày 25/3/2022. Dự tại các điểm cầu có các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Báo cáo tổng kết của Bộ GD&ĐT cho thấy: Để thực hiện Nghị quyết 15 giai đoạn 2015-2022, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị học tập quán triệt tới lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của Bộ cụ thể hóa nhiệm vụ được giao vào chương trình công tác hàng năm của Bộ và các Đề án của ngành, tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn.
Trong giai đoạn 2012 đến 6/2022, Bộ GD&ĐT đã trình các cấp thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền 31 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách xã hội gồm 3 luật của Quốc hội, 13 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 thông tư.
Các văn bản đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục để thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục vùng miền núi hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, giảm chênh lệch các chỉ số về an sinh xã hội.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,18%. Các địa phương đã tích cực chủ động tham mưu các cấp tập trung nguồn lực với các giải pháp tích cực để củng cố duy trì đạt chuẩn phổ cập GD cho trẻ 5 tuổi, đặc biệt là chính sách huy động trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ khuyết tật được đến trường và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.
Kết quả và chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học , THCS tiếp tục được duy trì củng cố và từng bước nâng cao chất lượng. Tỉ lệ biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 97,85%, gần đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra là 98%. Cả nước có 100% đơn vị cấp tỉnh cấp huyện cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, có 61,9% đơn vị cấp tỉnh, 84,3% đơn vị cấp huyện, 93,5% đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 2. Trung bình mỗi năm huy động khoảng 30 nghìn người mù chữ độ tuổi tham gia các lớp xóa mù chữ.
Số học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp THCS, THPT hàng năm tăng trong đó có trên 50% đỗ ĐH CĐ, 5% được đi học cử tuyển, 13,5% được vào dự bị đại học, khoảng 30% vào Trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Tiếng dân tộc thiểu số được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tỉ lệ trẻ em khuyết tật tham gia học tập ở cấp tiểu học và THCS tăng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng các tài liệu về giáo dục học sinh khuyết tật gồm hệ thống ngôn ngữ ký hiệu và hệ thống chữ nổi brai, tài liệu hướng dẫn giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cấp mầm non, tài liệu hướng dẫn đánh giá trẻ khuyết tật cấp tiểu học, giáo trình giáo dục đặc biệt trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Công tác quản lý sức khỏe học sinh được chú trọng, tỉ lệ các trường nộp hồ sơ quản lý sức khỏe học sinh năm 2020 tăng. Tỉ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Tỉ lệ trường học có phòng y tế chiếm 75,3%, các trường học đều có đủ nước uống, bếp ăn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đến nay đã thực hiện xây dựng được trên 94 nghìn phòng học, hơn 23 nghìn nhà công vụ cho giáo viên, kiên cố hóa hơn 11 nghìn phòng học và trang bị nhiều thiết bị dạy học cho các trường PTDTNT, PTDTBT và các trường, điểm trường công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn.