Bài học cho mô hình chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Hải Bình

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Hội thảo “Mô hình chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục phổ thông – Bài học kinh nghiệm từ Mỹ” được tổ chức sáng 15/10, tại Hà Nội.
Nhiều bài học được rút ra từ Hội thảo.
Nhiều bài học được rút ra từ Hội thảo.

Đây là hoạt động Tập đoàn Giáo dục EQuest phối hợp cùng Dự án EduPortal Việt Nam, Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) tổ chức. Hội thảo tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đã, đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, quản lý, giáo viên, phụ huynh.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, giáo dục phổ thông Mỹ, gồm các cơ sở công và tư, đã nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực học tập và năng lực tài nguyên để vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển đổi số.

Thực tế, chuyển đổi số góp phần đưa giáo dục phổ thông Mỹ đột phá, mà mục tiêu cao nhất là mang lại cơ hội học tập công bằng, an toàn, chất lượng, bao trùm cho tất cả học sinh.

TS. Nguyễn Thị Kiều Vân – chuyên viên phân tích chương trình khối mẫu giáo và tiểu học tại Học khu thành phố San Jose, California, Mỹ – cho biết: Dù có nền giáo dục tiên tiến, nhưng giáo dục phổ thông Mỹ cũng gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số.

Để vượt qua thách thức này, các trường phổ thông tại Mỹ luôn xác định rõ và cố gắng thu hút các đối tượng liên quan cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số: Những người trong ngành Giáo dục, gia đình học sinh, nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội. Cùng với đó là bảo đảm hệ thống cơ sở vật chất, các chương trình phần mềm, phát triển chuyên môn và nghề nghiệp cho đội ngũ…

Bài học cho mô hình chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông ảnh 1
TS Nguyễn Thị Kiều Vân (bên phải ảnh) chia sẻ về chuyển đổi số trong giáo dục.

TS Nguyễn Thị Kiều Vân cho rằng: Giáo dục Mỹ sẽ không thể đạt được những thành công trong triển khai dạy học trực tuyến và kết hợp nếu thiếu sự chủ động, nỗ lực nâng cao chất lượng của chính các cơ sở giáo dục. Để thực hiện tốt hình thức dạy học kết hợp, giáo viên không chỉ cần chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, mà còn cần sự đồng thuận, hỗ trợ từ người đứng đầu nhà trường – cá nhân có tầm nhìn, hiểu biết sâu sắc về hình thức dạy học này.

Để triển khai chuyển đổi số, theo TS Nguyễn Thị Kiều Vân, mỗi cơ sở giáo dục cần đánh giá được tiềm năng, hạn chế của mình để đưa ra kế hoạch cụ thể. Yếu tố quyết định thành công chính là quyết tâm và nỗ lực thực hiện.

Trường Quốc tế Mỹ trực tuyến Ivy Global School khu vực Bắc Mỹ là cơ sở giáo dục thích ứng sớm với chuyển đổi số. Tiến sĩ Lisa Helton, hiệu trưởng nhà trường, khẳng định tầm quan trọng của việc xác định và thu hút các đối tượng liên quan, tinh thần chủ động, quyết tâm, tiên phong để triển khai thành công chuyển đổi số trong giáo dục.

Bài học cho mô hình chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông ảnh 2
Các khách mời chia sẻ tại hội thảo.

Đại diện đến từ Alpha School thừa nhận nhà trường khá bị động trong giai đoạn đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, với sự thích ứng nhanh chóng sau đó, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học kết hợp. Năm học 2021-2022, trường là một trong số các cơ sở giáo dục tại Hà Nội kết thúc năm học đúng kế hoạch.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, đại diện Alpha School cho biết: Các công cụ được nhà trường sử dụng chủ yếu là: Dự án học tập tại nhà; hệ thống quản lý học tập LMS; bài giảng tương tác H5P; hệ thống kiểm tra đánh giá online 789.vn; MS Teams; công cụ kết nối với cha mẹ học sinh. Cùng với đó, đặc biệt chú trọng khâu kiểm soát chất lượng dạy học, đưa ra phản hồi để điều chỉnh lại cách thức tổ chức dạy học cho hiệu quả hơn..

“Kết quả mà nhà trường thu được là tạo ra thói quen tự chủ trong học tập của học sinh. Giáo viên làm chủ được ứng dụng công nghệ trong dạy học. Các bên có liên quan ý thức được vai trò, giá trị của công nghệ trong giáo dục.” – đại diện đến từ Alpha School chia sẻ.