Ống hút từ cây dương xỉ của chàng trai Đắk Nông

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Nhật Phong

GD&TĐ – Ống hút từ cây dương xỉ có thể tái sử dụng đến 3 lần, giúp thay thế ống hút nhựa, bảo vệ môi trường sống. Đây là sản phẩm của hai chàng trai Đắk Nông là Hoàng Văn Tần và Đinh Ngọc Thạch.
Sản phẩm ống hút từ cây cỏ thiên nhiên của Hoàng Văn Tần.
Sản phẩm ống hút từ cây cỏ thiên nhiên của Hoàng Văn Tần.

Tận dụng cây mọc hoang

Hoàng Văn Tần (25 tuổi, dân tộc Nùng, trú xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, trong một lần tình cờ, anh và Thạch nghe được câu chuyện tuổi thơ của người chú. Chuyện rằng ngày nhỏ, khi đi chăn trâu, đám trẻ con khát nước thường dùng cây dương xỉ, rút bỏ lõi rồi chọc xuống khe nước để uống. Các khe nước khi ấy rất chênh vênh, không thể lấy được nước bằng các vật dụng khác. Ống hút từ cây dương xỉ đã giúp những đứa trẻ chăn trâu thoát khỏi cơn khát, Tần và Thạch nảy ra ý tưởng phải làm được ống hút từ cây dương xỉ.

Vốn là nhân viên kinh doanh cho một công ty nông nghiệp hữu cơ ở Đắk Lắk, ngay sau khi có ý tưởng chế tạo ống hút từ cây dương xỉ, anh Tần quyết định nghỉ việc, dồn toàn tâm trí cho dự án khởi nghiệp trên quê hương. Chia sẻ về dự án làm ống hút dương xỉ, anh Tần cho biết, rác thải nhựa trong đó có ống hút nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Tại Việt Nam, có nhiều người tiên phong nghiên cứu, sản xuất ống hút từ các loại cỏ, gạo, ống tre… để thay thế ống hút nhựa. Tuy vậy, mỗi loại ống hút tự nhiên lại có nhược điểm riêng khi sử dụng thực tế, điều này khiến anh nghĩ giải pháp tối ưu hơn.

Để hiện thực hóa ý tưởng, Tần và Thạch lập doanh nghiệp startup XSTARTUP FERN STRAWS để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ từ các nhà đầu tư cũng như các tổ chức khác. Thời gian đầu, anh Tần gặp nhiều khó khăn. Anh phải nhập dương xỉ từ các tỉnh miền núi phía Bắc về do chưa khảo sát được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sau đó, để giảm giá thành, công vận chuyển, anh khảo sát tại các khu vực đồi núi của Đắk Nông, Bình Phước, Quảng Nam… tìm nơi dương xỉ sinh sống. Khi có nguyên liệu, anh lại mày mò quy trình sơ chế, cắt, tách lõi, sấy để ống hút không bị vỡ nát.

“Quy trình sản xuất ống hút dương xỉ khá đơn giản. Cây dương xỉ thu hoạch về cắt thành đoạn, rút phần ruột bên trong; tiếp đến dùng vật dụng chuyên dụng vệ sinh sạch sẽ cả bên trong lẫn bên ngoài ống hút. Sau đó mang sấy khô, đóng gói, bảo quản trong túi hút chân không. Để ống hút không bị gãy vỡ mình thử nghiệm nhiều loại, chọn máy cưa ống, nhiệt độ sấy, hấp phù hợp. Làm hỏng khá nhiều mình mới hoàn thiện được quy trình sản xuất ống hút dương xỉ”, anh Tần nói.

Theo anh Tần, ống hút dương xỉ cứng, dày hơn ống hút cỏ nên dễ bảo quản vận chuyển. So với ống hút tre và kim loại, ống hút dương xỉ nhỏ, nhẹ hơn, được làm hoàn toàn tự nhiên, dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, ống hút dương xỉ không thể thẳng tắp, giá thành (khoảng 600 đồng/ống) vẫn còn cao hơn ống hút nhựa. Tuy vậy so với các loại ống hút hữu cơ hiện nay thì giá thành ống hút từ cây dương xỉ bằng hoặc thấp hơn (ống hút tre hiện nay là 1.200 – 1.500 đồng/ống). Mỗi thân cây dương xỉ có thể cho ra khoảng 8 – 10 ống hút (20 cm/ống). Cây dương xỉ sau khi thu hoạch vẫn tiếp tục phát triển do chỉ bị cắt phần thân lá.

Ống hút từ cây dương xỉ của chàng trai Đắk Nông ảnh 1

Vùng nguyên liệu sẽ phát triển và dễ khai khác.

Có thể tái chế, phân hủy sau 3 tháng

“Nếu xét về mức độ tương đồng với ống hút nhựa thì ống hút dương xỉ có thể đáp ứng được hầu hết các tiêu chí về đường kính, chiều dài, độ bền, giá cả, dùng tốt nước nóng, lạnh, phân hủy nhanh, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho ngành thủ công mỹ nghệ và các ngành công nghiệp khác…”, anh Tần cho biết.

Điều đặc biệt của loại ống hút này theo anh Đinh Ngọc Thạch là có thể tái chế sử dụng đến 3 lần do đặc điểm cứng, không bị ảnh hưởng khi dùng trong nước. Sản phẩm sau sử dụng có thể thu gom, làm sạch, đưa vào máy hấp tiệt trùng là có thể tái sử dụng được. Cùng với việc hoàn thiện bao bì, xây dựng thương hiệu sản phẩm, anh Tần đang nghiên cứu cách tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh với các loại ống hút, nhất là ống hút nhựa. Về lâu dài, anh có kế hoạch đưa dương xỉ về địa phương để chủ động nguồn nguyên liệu, hình thành vùng trồng nếu sản xuất số lượng lớn.

Anh Tần cho biết, trong một ngày, 10 nhân công có thể làm ra 10.000 ống hút. Khi tiến hành sản xuất số lượng lớn, anh sẽ phải đặt hàng máy móc, thiết bị như máy cắt phải được thiết kế sao cho vết cắt nhanh, đẹp, không làm vỡ ống. Máy sấy tiệt trùng phải đảm bảo làm khô ống hút nhanh nhất… Thân dương xỉ sau khi thu hoạch phải đưa vào sấy 40 độ C trong khoảng 3 – 4 ngày liên tục hoặc phơi ngoài trời nắng to trong 2 ngày.

Anh Tần chia sẻ, dự án của anh vừa được Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Nông giải ngân vốn cho vay 90 triệu đồng để phát triển. Đây là bước đầu tiên trước khi đưa được sản phẩm ra thị trường dự kiến vào quý II năm 2022.

“Rủi ro hiện tại của chúng tôi chính là dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Các dịch vụ kinh doanh ngành đồ ăn uống đang khó khăn. Nhưng chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện sản phẩm để sẵn sàng vươn ra thị trường khi các dịch vụ và mô hình kinh doanh hoạt động ổn định trở lại”, anh Tần nói.

Dự án sản xuất ống hút dương xỉ của anh Hoàng Văn Tần là một trong 3 dự án của tỉnh Đắk Nông lọt vào Bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Anh Tần hy vọng ống hút dương xỉ sẽ dần thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa, bảo vệ môi trường…