“Người trong cuộc” chỉ ra khó khăn, vướng mắc khi thi tuyển vị trí hiệu trưởng
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
14/11/2022 06:57
Hiện nay, nhiều địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh,… Việc tuyển dụng chức danh lãnh đạo trường học thông qua thi tuyển này nhận được nhiều kỳ vọng, rằng sẽ tạo ra những thay đổi nhất định ở các nhà trường khi người đứng đầu đơn vị đã trải qua một kỳ thi tuyển gắt gao.
Trao đổi cụ thể hơn về kỳ thi, thầy Hồ Sĩ Nhật Nam – ứng viên trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòa Bình (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, yêu cầu của đề thi rất thiết thực, đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức quản lý, mà còn phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật để nắm vững các quy định, chủ trương, đường lối liên quan tới lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Thi tuyển hiệu trưởng: Có nơi số lượng hồ sơ không đảm bảo, phải dừng tổ chức |
Ở phần thi đề án, người dự thi có cơ hội được thể hiện tâm huyết phát triển đơn vị mình dự tuyển dựa trên những hiểu biết về thực tế tại đơn vị.
“Cùng một yêu cầu nhưng nếu thi tuyển chức danh hiệu trưởng, ứng viên phải đưa ra vấn đề có tính khái quát cao hơn vì vị trí này phải quản lý chung về nhiều mặt. Còn nếu dự thi chức danh phó hiệu trưởng, đề án có thể đi sâu vào lĩnh vực mà mình am hiểu”, thầy Nam cho biết.
Theo thầy Nam, thi tuyển sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn hình thức bổ nhiệm trước kia. Điều đó thể hiện qua việc, trong cuộc thi, mọi người đều có cơ hội như nhau, ai đáp ứng được yêu cầu đặt ra đều có thể thi tuyển.
Ngoài ra, thông qua đề án các ứng viên trình bày, bản thân lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, giám khảo có thể thấy được chiến lược của người thi tuyển mà mình sắp bổ nhiệm. Từ “bức tranh” tổng thể đó, lãnh đạo và giám khảo có thể nhìn ra được môi trường trường học sau này người đó sẽ quản lý ra sao, có sự so sánh giữa các ứng viên với nhau để biết được chiến lược nào phù hợp với ngôi trường thi tuyển nhất.
Bên cạnh đó, khi ứng viên trình bày, hội đồng giám khảo có thể chất vấn ngay tại chỗ những vấn đề chưa rõ. Từ đó, thấy được năng lực của các ứng viên tham gia thi tuyển.
Bộc lộ nhiều thuận lợi, tuy nhiên với cương vị là ứng viên trực tiếp tham gia, thầy Nam cũng nhận thấy rằng thi tuyển cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.
“Nếu thi tuyển vào vị trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của môi trường đang công tác thì sẽ có sự thuận lợi hơn so với ứng viên từ đơn vị khác thi tuyển vào. Khi muốn quản lý và phát triển một đơn vị thì người quản lý phải biết và tận dụng được lợi thế nội bộ của đơn vị đó; phát hiện những thiếu sót để từ đó có phương án khắc phục. Muốn làm được, ứng viên phải có sự tìm hiểu kỹ càng về nhiều mặt từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, môi trường sư phạm, chất lượng giáo dục,…Có như vậy mới xây dựng được đề án phù hợp với thực tiễn.
Chưa kể, phần lớn sự tìm hiểu cũng chỉ qua những báo cáo khô khan, đây cũng là một hạn chế”, thầy Nam cho hay.
Thầy Hồ Sĩ Nhật Nam – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòa Bình (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu |
Chia sẻ về đề án của mình trong cuộc thi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòa Bình cho biết, năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng đề án của các ứng viên dự thi phải như một đề tài khoa học (trình bày, phân tích về một khía cạnh nào đó trong nhà trường như quản lý học sinh giỏi, quản lý đội ngũ, quản lý dạy và học,…).
Dù chưa tiến hành triển khai với cấp trung học phổ thông nhưng thời điểm đó thầy Nam đã chọn chủ đề quản lý dạy và học đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với đề án này, thầy phân tích trên tất cả các mặt từ công tác nhân sự, tài chính đến cơ sở vật chất, học sinh.
“Phải có sự đánh giá tổng quát về các yếu tố này để biết được điểm mạnh ở đâu thì phát huy, khắc phục điểm yếu, bổ sung những thứ còn thiếu.
Đồng thời, cũng nhờ đề án này mà khi trở thành hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòa Bình và khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, tôi không bị bỡ ngỡ, lúng túng. Sau khi thi và trúng tuyển, tôi đã ngay lập tức tổ chức họp và triển khai các vấn đề đã nêu trong đề án trước đó, từ xây dựng tổ hợp môn, biên chế giáo viên, xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch tổ chức lớp chuyên đề cho từng môn. Nhờ vậy, khi vào năm học, nhà trường luôn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu từ chuẩn bị đến triển khai chương trình”, thầy Nam nói.
Nhận thức rõ rằng, phụ huynh và học sinh chưa hiểu rõ về chương trình mới nên công tác hướng dẫn, tư vấn, định hướng luôn được Trường Trung học phổ thông Hòa Bình chú trọng. Lãnh đạo nhà trường và giáo viên đã đến các trường trung học cơ sở trong trong phạm vi tuyển sinh của trường để tiến hành phổ biến. Khi học sinh đã trúng tuyển vào trường, ban giám hiệu và giáo viên cũng phải tổ chức các buổi tư vấn lựa chọn tổ hợp môn, chọn môn phải phù hợp với năng lực, định hướng sau này của học sinh.
Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn sẽ hạn chế được việc học sinh thay đổi lớp, tổ hợp môn gây xáo trộn tổ chức dạy và học của nhà trường.
Chia sẻ quan điểm về hình thức thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, việc thi tuyển phải thực chất, công tâm, khách quan để bảo đảm tuyển được những người có năng lực thực sự, vừa có tâm vừa có tầm.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh |
Nội dung thi phải đánh giá được tổng thể năng lực quản trị của người dự thi. Tức là, các ứng viên phải thi cả phần lý thuyết, thực hành và nghe phản biện của hội đồng đánh giá về đề án phát triển nhà trường của mình.
“Các địa phương phải đưa ra khung tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng. Mọi tiêu chuẩn đều xoay quanh hai yếu tố: Tài và đức. Bất kỳ ai đạt được tiêu chuẩn đều có thể ứng tuyển. Song các tiêu chuẩn cũng không nên cứng nhắc, “đóng khung” ở một số yếu tố, mà cần có sự linh hoạt, với độ “mở” nhất định.
Trong quá trình thi tuyển, phải có hội đồng đánh giá một cách công minh và chuẩn xác. Thành viên trong hội đồng phải là người có năng lực, trách nhiệm, uy tín với học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp…”, Giáo sư Phạm Tất Dong nói.
Vấn đề quan trọng là, nếu chỉ thi lý thuyết thì khó mà đánh giá được năng lực của ứng viên. Chính vì vậy, cần phải kết hợp với việc khảo sát ý kiến của cộng đồng những người trong môi trường mà ứng viên đó công tác.
Cũng theo nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đề án trong thi tuyển không nên chỉ dừng lại ở lý thuyết, khi ứng viên trúng tuyển và trở thành quản lý trường học, cần có ban giám sát, đánh giá những cống hiến, thay đổi của môi trường sư phạm liệu có đáp ứng được yêu cầu như đề án đã đưa ra hay không?