Học quá nhiều khiến trẻ ít sáng tạo hơn

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Hiếu Nguyễn

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Khi phải học liên tục, trẻ vẫn có thể hấp thụ được kiến thức, nhưng mặt trái của việc đó là khiến trẻ trở nên ít sáng tạo hơn.
GS. Barbara Oakley chia sẻ về "học cách học" tại Trường ĐH VinUni.
GS. Barbara Oakley chia sẻ về “học cách học” tại Trường ĐH VinUni.

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại trước việc một bộ phận gia đình Việt Nam ép con học quá nhiều, GS. Barbara Oakley – chuyên gia nổi tiếng thế giới về huấn luyện não bộ – cho rằng: Khi bị ép phải học liên tục, trẻ vẫn có thể hấp thụ từng ấy kiến thức; nhưng mặt trái là chúng ta đang khiến con trở nên ít sáng tạo hơn.

Theo GS. Barbara Oakley, có 2 trạng thái học tập: Tập trung và phân tán. Cả hai chế độ này đều quan trọng giúp chúng ta học tập. Cần thay đổi luân phiên hai chế độ này để học tập hiệu quả. Nếu phải học liên tục nghĩa là trẻ luôn ở trạng thái tập trung, đồng nghĩa với việc giảm bớt thời gian ở chế độ còn lại. Trong khi đó, trạng thái phân tán là thời điểm để các con có thể sáng tạo.

“Lời khuyên của tôi cho phụ huynh vẫn cho con học trong khuôn khổ, nhưng phải lồng ghép nhiều thời gian giải lao trong ngày, không nên học liên tục từ sáng đến tối”, GS. Barbara Oakley nói.

Học quá nhiều khiến trẻ ít sáng tạo hơn ảnh 1
GS. Barbara Oakley trao đổi với sinh viên tại Trường ĐH VinUni.

GS. Barbara Oakley chia sẻ thêm: Với học sinh lớp 7, 8 trở xuống, việc tương tác trực tiếp với giáo viên trong học tập rất hiệu quả và cần thiết. Nhưng học sinh lớn tuổi hơn có thể giảm thời gian đến lớp. Lý do, học sinh sẽ dành phải một thời gian khá lớn cho di chuyển từ nhà đến trường, từ trường về nhà mỗi ngày (như ở Hoa Kỳ, học sinh còn phải di chuyển từ lớp này sang lớp khác sau mỗi môn học).

Nếu mô hình học tập của chúng ta cho phép, với học sinh lớn hoàn toàn có thể kết hợp cả hai hình thức. Theo đó, cho học sinh học tập ở nhà một số ngày trong tuần (có thể học online) giúp tiết kiệm nhiều thời gian, học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, làm điều mình thích. Khi học ở nhà cũng giúp học sinh rèn luyện kĩ năng tự học.

“Mọi người nói học online không hiệu quả như học trực tiếp. Tôi cho rằng quan điểm đó không đúng. Tất cả phụ thuộc vào người giáo viên đứng lớp online như thế nào. Kết quả các nghiên cứu cho thấy, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập và chính là người tạo nên giá trị gia tăng cho quá trình học tập của của học sinh”, GS. Barbara Oakley nhấn mạnh.

Nhân câu chuyện này, GS. Barbara Oakley cũng nhắc đến thực tế nhiều quốc gia, mức lương cho giáo viên còn thấp. Do đó, với cùng một nguồn ngân sách chi trả cho giáo viên, nếu thực sự đầu tư cho một đội ngũ dạy online có chất lượng thật tốt làm nòng cốt, thì chỉ số ít cũng có thể phủ sóng, lan tỏa được kiến thức đến nhiều trẻ em với sự hỗ trợ của công nghệ. Các giáo viên khác hoàn toàn có thể sử dụng nguồn tài nguyên này để cho học sinh xem. Như vậy, số lượng đông đảo học sinh sẽ được học qua video của những giáo viên tốt nhất, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dễ biến động (dịch bệnh, chiến tranh…), với nền tảng học trực tuyến tốt, đội ngũ chuyên dạy trực tuyến chất lượng tốt, chúng ta có thể nhanh chóng linh hoạt chuyển đổi trạng thái học tập mà kết quả học tập vẫn tương tự.

“Gần đây tôi có mở một khóa dạy cách giảng dạy trực tuyến hiệu quả. Khóa học này có nói cách xây dựng các đoạn video có thể “bỏ bùa” cho học sinh như thế nào; nên thiết kế những đoạn hoạt cảnh thế nào, sử dụng hình ảnh ra sao để cuốn hút học sinh…? Đồng thời nhiều nội dung về khoa học thần kinh cũng được lồng ghép.

Nhưng dù thế nào thì ‘ngôi sao’ chính vẫn là giáo viên. Phải tìm được lực lượng giáo viên nòng cốt, dạy học thực sự cuốn hút, có cá tính, mang lại nguồn năng lượng, truyền cảm hứng cho học sinh khi xem các đoạn video clip của họ giảng dạy mới có thể có bài giảng chất lượng”, GS. Barbara Oakley cho hay.

GS. Barbara Oakley (ĐH Oakland, Michigan, Hoa Kỳ) từng đứng tại các giảng đường danh giá nhất thế giới như Harvard, Yale, Princeton; hay công ty hàng đầu như Google, Bloomberg News để chia sẻ về phương pháp học tập, tư duy và phát triển bộ não một cách khoa học.

Bà cũng là chủ nhân Giải thưởng Chester F. Carlson của Hiệp hội Giáo dục Kỹ thuật Hoa Kỳ về những đổi mới trong giáo dục và Giải thưởng Học giả Thế kỷ mới của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Khóa học “Learning how to learn” của GS. Barbara Oakley hiện là một trong những khóa học có đông người học nhất trên Coursera – một trong những nền tảng học trực tuyến lớn nhất thế giới.