Học bạ điện tử – tiện tích cho cả thầy và trò

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Ly Hương

06:00 – 11/01/2023
BÁO NÓI – 2:54

Hoàn thiện hồ sơ sổ sách học kì 1 năm học trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, giáo viên dạy môn ít tiết phải ghi hàng ngàn con điểm và kí tên vào học bạ. Trong khi, phương án sử dụng học bạ điện tử được cho là tiện ích cho cả thầy và trò

Học bạ điện tử - tiện tích cho cả thầy và trò - Ảnh 1.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào làm sổ sách, hồ sơ học sinh sẽ giảm tải công việc quản lý giấy tờ cho giáo viên. Ảnh: IT/image

Giáo viên đề xuất số hóa từ khâu nhập học bạ điện tử

Ứng dụng công nghệ thông nghệ vào công tác sổ sách, hồ sơ như sổ liên lạc điện tử, giáo án điện tử, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ chủ nhiệm… giúp giáo viên giảm bớt các công việc không tên.

Tuy vậy, hiện giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông dạy các môn ít tiết như Công nghệ, Tin học, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật (lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông 2018)… vẫn phải ghi hàng ngàn con điểm cùng chữ kí xác nhận vào sổ học bạ.

Tương tự, giáo viên dạy các môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ… cũng ghi thủ công hàng trăm con điểm, chữ kí. Nếu vào điểm học bạ học kì 2 thì thao tác vào điểm nhân lên gấp 2 lần (một cột điểm học kì 2 và một cột điểm cả năm).

Ví dụ, giáo viên môn Giáo dục công dân dạy 20 lớp 10 (20 tiết), lấy trung bình một lớp 45 học sinh thì thầy cô phải vô 900 cột điểm học kì 1; 900 cột điểm học kì 2; 900 cột điểm cả năm và chừng đó chữ kí.

Hiện nay, ngoài việc giảng dạy và giáo dục học sinh, giáo viên phải làm nhiều loại hồ sơ sổ sách rất mất thời gian. Sau khi học sinh kiểm tra học kì xong, giáo viên chấm bài kiểm tra, nhập điểm và ghi điểm học bạ có khi mất cả hai tuần lễ.

Chưa kể, việc ghi điểm thủ công rất dễ đến sai sót, khi đó giáo viên phải sửa chữa đúng quy định. Một cuốn học bạ sai sót khiến học sinh, phụ huynh học sinh có thể nghĩ không hay về giáo viên.

Cần thiết phải sử dụng học bạ điện tử

Nếu được sử dụng học bạ điện tử thì giáo viên chỉ mất vài ba phút kí tên, rất nhanh chóng. Việc làm này không khó, chỉ cần ngành giáo dục các địa phương đồng bộ hóa dữ liệu, khắc phục các bất cập về công nghệ cùng với mệnh lệnh hành chính của của cơ quan quản lí giáo dục cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngay cả ở Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các nhà trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn đang sử dụng học bạ giấy. Nhiều giáo viên đã có kiến nghị, đề xuất lên cấp trên hoặc trên các phương tiện truyền thông nhưng mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Ai cũng biết rằng, sử dụng học bạ điện tử vừa giảm nhẹ công việc cho giáo viên vừa góp phần cải cách hành chính, tăng công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Cùng với đó, số hóa hồ sơ sổ sách cũng giúp tiết kiệm khoản mua sổ giấy, in ấn nhưng không hiểu sao Sở giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương vẫn triển khai e dè.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục, trong đó loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy. Một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Tiền Giang… đã sử dụng ứng dụng học bạ điện tử.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng học bạ điện tử trong toàn quốc, giúp ngành giáo dục các tỉnh thành thực hiện đồng bộ. Tránh trường hợp học sinh tỉnh này chuyển trường sang tỉnh khác vẫn phải xin bản học bạ truyền thống, bởi hai hệ thống không liên thông.