Hiệu quả trồng na ở Cư Jút

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Cập nhật ngày: 29/12/2022 | 09:30 GMT+7

Gia đình ông Phạm Văn Việt, bon U3, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) đã áp dụng biện pháp kỹ thuật để vườn na Thái ra trái đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Cách làm này vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tăng thu nhập đáng kể.

Trước đây, gia đình ông Việt chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, do đất canh tác của gia đình nằm trên vùng đất sét, nhiều sỏi đá, nên không phù hợp với cây cà phê, hồ tiêu. Năng suất các loại cây trồng này đều không cao, thu nhập của gia đình bấp bênh.

Để có nguồn thu nhập ổn định, ông Việt đã chuyển sang trồng cây na Thái. Theo ông Việt, na Thái khá dễ tính và phù hợp với vùng đất xấu. Gia đình ông chăm sóc bình thường, nhưng vườn na vẫn cho trái rất nhiều.

Cứ 6 tháng, cây na lại cho thu hoạch một đợt. Với hơn 300 cây na trồng năm thứ 5, mỗi vụ, ông Việt thu hoạch hơn 3 tấn na. Hiện nay, 1kg na Thái có giá bán dao động từ 35.000 – 40.000 đồng.

Cây na Thái đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở Ea T’ling

Hàng năm, nguồn thu nhập từ vườn na Thái đã mang về cho gia đình ông từ 150 – 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có thêm nguồn thu nhập từ cây trồng xen như cà phê, tiêu, ổi…, với khoảng hơn 50 triệu đồng/năm.

Ông Việt cho biết: “Ngoài 300 cây na đang cho thu hoạch năm thứ năm, gia đình tôi cũng đã mở rộng diện tích trông na. Đến nay, tôi đã có thêm 700 cây na chuẩn bị bước vào giai đoạn cho thu hoạch”.

Thông thường, cây na Thái ra hoa vào tháng 3 hằng năm và chính vụ thu hoạch vào tháng 6. Nhưng để cây na cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông Việt đã dùng biện pháp kỹ thuật để can thiệp.

Cụ thể, cứ vào tháng 7 dương lịch hằng năm, ông Việt tiến hành bón thúc phân, phun chế phẩm sinh học để giúp cây na tạo mầm hoa. Với cách làm này, vườn na ra hoa, đậu trái và cho thu hoạch vào dịp cuối năm.

Thị trường trái cây cuối năm thường có giá bán cao, dễ tiêu thụ. Điều này giúp gia đình ông tăng thu nhập cao hơn khoảng 50% so với ngày thường.

Ông Phạm Văn Việt tích cực chăm sóc vụ na để kịp cung cấp dịp cuối năm

Cũng theo ông Việt, nhờ thích hợp với khí hậu, vùng đất địa phương, nên na Thái phát triển rất nhanh. Các công đoạn chăm sóc na cũng đơn giản. Ngoài việc bổ sung phân bón, nước thì cần phải tỉa cành, vặt lá đúng thời điểm để na có thể ra hoa, đậu quả.

Ông Đỗ Quang Duy, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ea T’ling cho biết, vùng đất của ông Việt là rất xấu. Thế nhưng, từ khi ông chuyển đổi sang trồng na Thái đã giúp cải thiện được thu nhập.

Hiện người dân trên địa bàn thị trấn Ea T’ling đang quan tâm đầu tư, cải tạo đất để mở hướng phát triển sản xuất phù hợp. Trong đó, học hỏi cách làm của ông Việt, nhiều bà con đã chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng na Thái.

Điều này cho thấy sự nhạy bén, sáng tạo của nông dân trong việc nắm bắt thời cơ phát triển sản xuất, nhu cầu thị trường. Phát triển na Thái không chỉ làm phong phú các mặt hàng trái cây của địa phương, mà còn góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên vùng đất bạc màu, khô cằn.

Tuy trồng na cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt để tránh cung vượt cầu. Bởi thực thế, đầu ra của loại cây trồng này chưa có sự ổn định.

Kim Ngân