Dự kiến giáo viên không cần giữ chức vụ vẫn được bổ nhiệm lương hạng II mới
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
26/06/2022 06:26 Bùi Nam
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
Nam miền Nam
Một bạn đọc có tên T.A ở địa chỉ mail letu…@gmail.com gửi thư đến Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam câu hỏi về những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới.
Độc giả ghi: “Kính gửi quý báo, tôi đã đọc những bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề chuyển đổi khi bổ nhiệm, thăng hạng của giáo viên từ hạng II cũ sang hạng II mới.
Bản thân tôi là giáo viên bộ môn giáo dục thể chất của cấp tiểu học, tôi được bổ nhiệm lương giáo viên hạng II từ năm 2015 theo Thông tư 21/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.
Khi đơn vị tôi xét để bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì mới biết tôi không đủ điều kiện để bổ nhiệm hạng II mới vì tôi chưa từng giữ chức vụ tổ trưởng chuyên môn cũng như chưa từng làm ban giám khảo của các cuộc thi ở nhà trường, huyện.
Nếu nhà trường xét những điều kiện như trên thì những giáo viên bộ môn như tôi sẽ không bao giờ đạt được vì chúng tôi không được phân công giữ các chức vụ tổ trưởng hay giám khảo các cuộc thi.
Trong khi bản thân tôi đã từng đạt được các thành tích cao trong giảng dạy, hướng dẫn học sinh đạt nhiều thành tích cao,…
Xin hỏi quý báo, việc nhà trường yêu cầu tôi phải là tổ trưởng, ban giám khảo có đúng quy định hay không? Quy định cụ thể việc chuyển xếp từ hạng II cũ sang hạng II mới như thế nào? Nếu không được chuyển sang hạng II mới tôi sẽ được chuyển xếp lương mới ra sao?”.
Câu hỏi mà độc giả này thắc mắc là vấn đề mà nhiều giáo viên thời gian qua gửi câu hỏi tới Tạp chí điên tử Giáo dục Việt Nam.
Ảnh minh họa-P.L |
Bằng kiến thức cá nhân, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành xin được chia sẻ nội dung bạn quan tâm như sau:
Thứ nhất, việc bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới theo Thông tư 02/2021 phải đảm bảo tiêu chuẩn, không yêu cầu nhiệm vụ.
Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT- BNV-BGDĐT nếu đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học như sau:
“a) Giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);
b) Giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);
c) Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28).”
Như vậy, quy định tại Thông tư 02 giáo viên phải đạt các tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II mới sẽ được bổ nhiệm hạng II mới.
Tất cả giáo viên hạng II cũ sẽ sang hạng II mới không cần thời gian giữ hạng? |
Về tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II mới gồm các tiêu chuẩn như sau (trích lược):
Về nhiệm vụ:
“a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;
b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;
c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;
d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).”
Về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II.
Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: […]Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;[…]
Tuy nhiên, tại khoản 8 Điều 10 Điều khoản áp dụng có nêu rõ: “Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học mà trường tiểu học công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường tiểu học công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan.”
Bổ nhiệm hạng cũ sang hạng mới “hên xui”, thầy cô lấy đâu ra động lực phấn đấu |
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có công văn trả lời về nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).
Do vậy, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng trường tiểu học giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này, ví dụ: Tham gia đoàn kiểm tra chuyên môn, dạy đối chứng chuyên đề, tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi,…) và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.
Như vậy, dựa vào các thông tin trên, giáo viên đang ở hạng II cũ chuyển sang hạng II mới không cần căn cứ nhiệm vụ, không bắt buộc phải là tổ trưởng (báo cáo viên, chủ trì sinh hoạt chuyên môn,…) hoặc phải là ban giám khảo các hội thi như bạn đọc đề cập.
Nếu bạn đạt các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trình độ đào tạo, đơn vị của bạn căn cứ việc bạn không phải là tổ trưởng hay ban giám khảo hội thi để không bổ nhiệm bạn sang hạng II mới theo Thông tư 02/2021 là chưa đúng tinh thần của Thông tư trên.
Thứ hai, dự kiến bổ nhiệm hạng mới chỉ cần đạt chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng
Việc bổ nhiệm theo Thông tư 02/2021 phải đảm bảo các tiêu chuẩn trên khiến giáo viên vất vả, khó khăn để minh chứng.
Nhận thấy bất cập trên, ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo dự thảo, khoản 1 Điều 7 của Thông tư 02/2021 quy định “1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BNV-BGDĐT nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thì được bổ nhiệm hạng mới […]”
Dự kiến, việc bổ nhiệm lương mới từ hạng II cũ sang hạng II mới như trường hợp của bạn chỉ cần đạt trình độ đào tạo (đại học) và đủ thời gian giữ hạng II, III và tương đương đủ 9 năm.
Hiện nay, dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đến ngày 20/7, nên người viết cho rằng các địa phương đang chờ Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 được ban hành chính thức, khi đó mới tiến hành bổ nhiệm lương mới.
Thứ ba, không bị xuống hạng khi thiếu tiêu chuẩn thời gian giữ hạng.
Do bạn không nêu rõ thời gian công tác, giữ hạng II, III nên người viết chưa thể biết bạn có đủ tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng để được bổ nhiệm hạng II mới hay chưa.
Giả sử bạn chưa đủ thời gian giữ hạng 9 năm để được bổ nhiệm hạng II mới thì bạn vẫn không bị “xuống hạng” III mới, mà bạn sẽ được giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng ở hạng II cũ, khi bạn đủ thời gian giữ hạng 9 năm, bạn sẽ được bổ nhiệm hạng II mới.
Trên đây là một số thông tin có tham khảo về bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới mà bạn đọc quan tâm.
Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy trường hợp cụ thể sẽ có cách áp dụng chi tiết.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.