Có nên duy trì những tiết dạy mang tính “công diễn”?

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Cứ sau mỗi lần thay chương trình và sách giáo khoa, giáo viên trong cả nước lại tất bật với biết bao công việc chuyên môn như dự giờ thao giảng.

Các hình thức tổ chức như dự giờ, dự giờ cấp tổ, cấp trường, dự giờ cụm trường, cấp huyện thị, cấp tỉnh, thành phố…Một tiết dự giờ, học sinh chỉ khoảng gần hoặc 30 em nhưng giáo viên dự giờ đôi khi lên đến vài chục người trong lớp.

Có nên duy trì những tiết dạy mang tính "công diễn"? ảnh 1
Một tiết dạy hội thảo chuyên đề (Ảnh minh hoạ Lã Tiến)

Tiết dạy chỉ gói gọn khoảng 35-40 phút (bậc tiểu học) và 45 phút cho bậc trung học. Thế nhưng, để có được vài chục phút giảng dạy hay nói đúng hơn là trình diễn thì các thầy cô giáo đảm nhiệm và cả trường học đăng cai tổ chức phải có một khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị rất công phu về mọi mặt.

Sự chuẩn bị từ nhà trường

Sau khi có thông báo, trường học sẽ đăng cai tiết dạy hội giảng theo chuyên đề. Nhà trường bắt đầu công việc tuyển chọn giáo viên thể nghiệm tiết dạy. Người được giao trọng trách phải là những thầy cô giáo giỏi, có kinh nghiệm đứng lớp.

Sau đó, đến việc chọn lớp học để thể hiện. Lớp được chọn cũng phải đạt được những yêu cầu như nề nếp tốt, học lực đồng đều, năng nổ trong học tập.

Khi đã chọn lớp, chọn giáo viên, đôi khi chọn cả học sinh (có nơi những em có lực học kém sẽ được miễn tham gia tiết học), phó hiệu trưởng chuyên môn sẽ trực tiếp đốc thúc việc chuẩn bị các khâu.

Nhà trường sẽ có trách nhiệm duyệt thiết kế, huy động đội ngũ cốt cán của trường để dự giờ và góp ý. Không chỉ dự một lần mà liên tục dự nhiều lần cho đến khi bài dạy hoàn hảo nhất trước khi được mang ra “công diễn”.

Chuẩn bị của giáo viên

Giáo viên được chọn, ngoài sự tự hào vì mình được nhà trường tin tưởng thì áp lực sẽ bủa vây tứ phía. Sự lo lắng, hồi hộp sợ tiết dạy bị góp ý nhiều sẽ mang tiếng cho bản thân, đặc biệt là cho trường, cho phòng giáo dục nên luôn phải đầu tư cao độ.


Dự giờ, thao giảng đang là căn bệnh hình thức trong ngành giáo dục

Kể từ khi được nhà trường phân công sẽ dạy tiết hội giảng chuyên đề thì gần như lúc nào trong đầu thầy cô cũng chỉ lo về bài dạy. Thầy cô bắt đầu suy nghĩ cách triển khai bài dạy sao cho hay, cho hiệu quả.

Như việc tìm phương pháp, hình thức tổ chức lớp, rồi việc chuẩn bị đồ dùng dạy học sao cho phong phú, đẹp mắt.

Ngoài ra, còn chuẩn bị cho học sinh từng câu hỏi, câu trả lời, cách sinh hoạt nhóm, cách tương tác với bạn về nội dung bài học.

Nếu bài có thí nghiệm phải tổ chức thực nghiệm nhiều lần. Bài có tình huống, hoạt cảnh thì thầy cô phải viết lời, cho học sinh học thuộc và tập dợt hằng ngày.

Chuẩn bị của học sinh

Nhiều nơi giáo viên sẽ đưa câu hỏi, cách trả lời, câu kết luận hay cách đóng hoạt cảnh, phân vai hoặc cách làm thí nghiệm để học sinh về học thuộc, thực hành quen tay. Sau đó mỗi ngày, học sinh đều phải thực hành trên lớp cho thuộc “nhừ như cháo, nát như tương”. Mỗi ngày đều phải tập dợt và ôn lại nhiều lần.

Có em “vinh dự” được thầy cô gửi gắm như học thuộc thêm câu hỏi nêu vấn đề và câu phản biện để tạo ra tình huống có vấn đề cho thầy cô giáo giải quyết, giúp tiết học sinh động và bớt đi phần đơn điệu hơn.

Hàng tháng trời chuẩn bị cho hơn 40 phút trình diễn

Khi mọi khâu đã chuẩn bị xong một cách kỹ càng là đến ngày giảng dạy (giáo viên luôn gọi vui là ngày công diễn).


Giáo dục đang bội thực với thử nghiệm nhiều phương pháp dạy học mới

Một đồng nghiệp của người viết vừa kết thúc tiết Hội thảo chuyên đề “Dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh” cấp thành phố cho hơn 40 cán bộ giáo viên từ sở xuống phòng đến Ban giám hiệu và cốt cán các trường tham dự.

Theo chia sẻ của đồng nghiệp “dạy xong như trút đi được một gánh nặng ngàn cân đè nặng trong vài tháng qua. Dù bị sút 3 ký nhưng thấy nhẹ cả người!”.

Giáo viên học hỏi được gì qua những tiết dạy chuyên đề được chuẩn bị công phu?

Sau mỗi tiết dạy dự giờ, cấp trên vẫn thường nói thông qua tiết dạy, giáo viên sẽ học hỏi được nhiều cách dạy hay, hình thức tổ chức sinh động để biết vận dụng vào thực tế tại nhà trường để giảng dạy.

Tuy nhiên, giáo viên có học được gì từ những tiết dạy minh hoạ đã được “ôn luyện” hay không thì rất khó đánh giá bằng lượng hóa.

Nhìn bên ngoài mà đánh giá, những tiết dạy dự giờ thao giảng thế này rất hay, rất hiệu quả. Thế nhưng trong thực tế, giáo viên dạy được như vậy, học sinh học được như thế là rất khó khả thi.

Vì sao lại như vậy? Bởi, cả một đội quân “tinh nhuệ” từ thầy cho đến trò mà phải chuẩn bị hàng tháng trời mới dạy và học được như vậy. Trong khi giáo viên phải dạy từ vài tiết đến gần chục tiết một ngày, còn học sinh phải học suốt ngày lẫn đêm thì thời gian, công sức nào để chuẩn bị?

Khi tổ chức các tiết hội giảng chuyên đề, các nhà giáo dục luôn cho rằng để giáo viên có thể học hỏi, rút kinh nghiệm và vận dụng vào thực tế giảng dạy tại nhà trường.

Là giáo viên thì ai cũng biết, không thể đem phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức lớp học của tiết dạy hội giảng như thế vào giảng dạy ngoài thực tế. Thầy cô cũng không học hỏi được nhiều kinh nghiệm cho việc giảng dạy của bản thân.

Hơn 30 năm về trước, ngành giáo dục đã áp dụng cách làm này để đánh giá chương trình, sách giáo khoa, đồng thời giúp giáo viên kinh nghiệm để vận dụng vào giảng dạy thực tế.

Ba mươi năm sau, trải qua bao lần thay sách, hưởng ứng bao lời kêu gọi “dạy thật, học thật, đánh giá thật” thì ngành giáo dục vẫn luôn trung thành với kiểu triển khai và đánh giá tiết dạy chuyên đề bằng cách diễn mang nặng hình thức như vậy.

Cả trường (bao gồm Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh) chuẩn bị hàng tháng trời còn tập duyệt hết ngày này, qua ngày khác nhưng chỉ trình diễn hơn 40 phút có cần thiết?.

Đánh giá thành công của chương trình và sách giáo khoa, đánh giá việc vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức lớp học đâu chỉ mỗi một cách là hội giảng dự giờ? Sát hạch chất lượng học tập và kỹ năng trực tiếp của học sinh sẽ có ngay kết quả một cách thực chất nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương