Cô giáo dạy Lịch sử qua thơ
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Cô giáo dạy Lịch sử qua thơ
Với lòng say mê nghề, tình yêu trò và tinh thần nhiệt huyết, cô Hà, hiện là Tổ phó chuyên môn tổ Văn – Sử, thường xuyên đổi mới, khám phá các phương pháp giảng dạy sáng tạo, sinh động như phương pháp trực quan (sử dụng tranh ảnh, lược đồ, video lịch sử…), phương pháp dạy học tích hợp, dạy học theo dự án, sử dụng thơ, kĩ thuật đóng vai…
Lớn lên với tình yêu Lịch sử
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng mỏ than Khánh Hòa, xã Phúc Hà, tỉnh Thái Nguyên. Từ nhỏ, cô Hà đã yêu thích và say sưa tìm hiểu môn Lịch sử. Lên cấp 3, cô thi đỗ lớp Sử – Địa tại Trường THPT chuyên Thái Nguyên và là khoá học sinh chuyên Sử đầu tiên của nhà trường.
Giành 2 giải, trong đó có một giải nhì môn Lịch sử, trong kì thi học sinh giỏi quốc gia, cô Hà được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong quãng thời gian sinh viên, cô Hà vừa học tập vừa làm thêm để trang trải cuộc sống tại thủ đô.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Hà trở về quê hương và nhận công tác tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Là một trong những ngôi trường xa nhất tỉnh Thái Nguyên, Trường THPT Hoàng Quốc Việt khi đó mới thành lập, điều kiện còn thiếu thốn. Nhiều học sinh nhà trường có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc thiểu số nhưng các em đều chăm chỉ, cầu tiến.
“Trong giảng dạy, tôi luôn chú trọng giáo dục cho học sinh về truyền thống lịch sử địa phương, dân tộc như kể chuyện về tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai, giới thiệu về khu di tích lịch sử Rừng Khuôn Mánh, hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt… Tôi hy vọng có thể bồi đắp cho học sinh lòng tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước”, cô Hà chia sẻ.
Để khơi gợi tình yêu lịch sử cho các thế hệ học sinh, cô Hà cho rằng gia đình nên quan tâm, định hướng cho con cái từ tấm bé qua các câu chuyện, video lịch sử… Từ đó, tình yêu lịch sử trong các em sẽ lớn dần theo năm tháng. Về phía giáo viên, sử dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học khác nhau có thể khơi gọi tình yêu lịch sử cho học trò.
Với chuyên môn vững vàng, cô Hà đã ôn luyện cho nhiều thế hệ học sinh đạt giải cấp tỉnh. Năm học 2014-2015, học sinh nhà trường đã đạt 2 giải quốc gia trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn với chủ đề: “Làm thế nào để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc?”.
Dạy Sử bằng vần thơ
Tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến trường học đóng cửa, giáo viên chuyển sang dạy trực tuyến, cô Hà “lòng như lửa đốt” bởi chỉ một vài tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT. Hoàn cảnh khó khăn lúc đó đã thúc đẩy cô Hà sáng tác những vần thơ gắn liền với sự kiện lịch sử.
Nhớ lại quãng thời gian hoàn thiện cuốn sách, cô Hà chia sẻ: Tôi vừa ôn tập cho học sinh lớp 12, vừa làm quen phương pháp dạy trực tuyến nhưng vẫn sắp xếp thời gian biên soạn sách. Có những ngày tôi thức đến 1-2 giờ sáng để làm việc cho kịp tiến độ. Khi ấy, tôi chỉ mong có thể giúp học sinh lớp 12 ôn tập thật tốt cho kỳ thi sắp tới nên bao mệt mỏi đều tan biến.
Trước đó, cô Hà từng áp dụng phương pháp dạy học lịch sử qua thơ nhằm “khuấy động” không khí lớp và tinh thần học tập cho học sinh. Những năm đầu mới công tác, cô sử dụng các tài liệu văn học như Bình Ngô đại cáo, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Lá thư Bến Tre…
“Phương pháp dạy học qua thơ đã phát huy thế mạnh của phương pháp sử dụng dạy học bằng lời, tác động mạnh vào trái tim của các em học sinh, dễ hiểu, dễ nhớ, tránh sự nhàm chán, nặng nề của các sự kiện, nội dung lịch sử nên sẽ khơi gợi được tình yêu lịch sử trong các em học sinh, phát huy được hiệu quả đặc biệt giúp các em nắm bắt các kiến thức cơ bản, từ khóa chính một cách dễ dàng”, cô Hà bày tỏ.
Từ những dòng thơ ban đầu nói về cuộc kháng chiến chống Pháp, cô Hà đã gấp rút hoàn thành những bài thơ hoàn chỉnh về các chuyên đề Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 2000 trong gần một tháng. Cuốn sách đầu tay được đặt tên là “Các chuyên đề Lịch sử Việt Nam (1858 – 2000) ôn thi THPT quốc gia qua hình thức thơ – trắc nghiệm – từ khóa”.
Trong cuốn sách, những kiến thức lịch sử cơ bản được cụ thể hóa dưới dạng thơ tự do, tức là diễn đạt toàn bộ các nội dung kiến thức lịch sử cơ bản bằng hình thức thơ từ bối cảnh lịch sử, nội dung, kết quả, ý nghĩa đến so sánh, đánh giá theo các chuyên đề. Kiến thức được hệ thống hoá theo ba phần gồm thơ, bài tập trắc nghiệm và từ khoá trọng tâm.
Đầu năm 2022, cô Hà tiếp tục dành thời gian biên soạn cuốn sách “Các chuyên đề học tập và ôn thi môn Lịch sử (Qua tranh ảnh, thơ, sơ đồ tư duy…)”.
Nói về cuốn sách thứ 2, cô Hà bộc bạch: Ra đời sau cuốn sách đầu tiên 2 năm nhưng “Các chuyên đề học tập và ôn thi môn Lịch sử (Qua tranh ảnh, thơ, sơ đồ tư duy…)” dày dặn hơn cả về phạm vi lẫn hình thức. Nếu ở cuốn sách trước, tôi chỉ tập trung vào Lịch sử Việt Nam thì ở cuốn sách mới có thêm phần Lịch sử thế giới, thêm sơ đồ tư duy, bảng biểu, đề luyện thi… Các sơ đồ do chính tay tôi vẽ và chắt lọc nội dung kiến thức nhằm hỗ trợ học sinh ôn tập một cách hiệu quả nhất.
“Các chuyên đề học tập và ôn thi môn Lịch sử (Qua tranh ảnh, thơ, sơ đồ tư duy…)” đã được phát hành trên toàn quốc từ tháng 5.
Nhận xét về đồng nghiệp, thầy giáo Nguyễn Toàn Thắng, Phó Bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt cho biết: Từ khi tốt nghiệp đại học và nhận công tác tại nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà luôn gương mẫu, tận tụy trong công việc, có trách nhiệm với học sinh, có nhiều sáng tạo trong dạy học và giáo dục học sinh.
“Cô Hà là tấm gương sáng được học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh nhà trường quý trọng, tin tưởng”, thầy Thắng bày tỏ.