‘Chị nuôi’ của học sinh nghèo xứ Thanh
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Lường Toán – Hồng Đức19/6/2022 – 6:31 (GMT+7)
Chia sẻ gánh nặng
Rạng rỡ trong màu áo xanh của Đoàn, chị Trần Huyền Trang – Bí thư Đoàn phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) tất bật lên kế hoạch cho các hoạt động sắp tới.
Vừa qua, chị Trang vinh dự là một trong hai gương mặt cán bộ Đoàn tiêu biểu của tỉnh Thanh nhận giải thưởng Lý Tự Trọng. Đây là giải thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn dành tặng cho cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi.
Cảm xúc vỡ òa, nữ Bí thư Đoàn phường Tân Sơn chia sẻ: “Lúc biết tin, tôi vô cùng bất ngờ nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc. Bởi, giải thưởng cao quý này không chỉ là niềm mơ ước của cá nhân tôi, mà còn của rất nhiều cán bộ Đoàn. Đây cũng là động lực để tôi nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội, xứng đáng với những danh hiệu cao quý”.
Chị Trần Huyền Trang được biết đến là người đã khởi xướng mô hình “Em nuôi của Đoàn” tại phường Tân Sơn. Mô hình này được triển khai từ tháng 3/2021 đến nay đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, các tổ chức chính trị – xã hội…
“Trong quá trình triển khai các hoạt động Đoàn tại phường Tân Sơn, tôi nhận thấy nhiều em nhỏ khát khao được tiếp tục con đường học hành, nhưng gia cảnh lại rất khó khăn. Chính vì vậy, với tư cách là Bí thư Đoàn phường tôi mong muốn có thể làm điều gì đó cho các em”, chị Trang bộc bạch.
Nghĩ là làm, chị Trang đã kêu gọi từ cộng đồng, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với mức 500 nghìn đồng/tháng, cấp liên tục cho đến khi các em tốt nghiệp THPT.
Trường hợp “Em nuôi của Đoàn” đầu tiên được nhận hỗ trợ là em Hà Duy Tuấn (tổ dân phố Dương Đình Nghệ 2, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa). Tuấn đang học lớp 8A, Trường THCS Tân Sơn. So với các bạn, gia cảnh của nam sinh có phần éo le hơn. Em sống cùng bố trong căn nhà nhỏ nằm cuối con hẻm ở tổ dân phố Dương Đình Nghệ 2.
Hàng ngày, bố của em mở lớp dạy đàn ghi ta cho những ai có nhu cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, người học ngày càng thưa thớt. Thậm chí, có thời điểm bố của em đành tạm “gác” đàn.
Trong mùa mưa bão năm 2021, căn nhà dưới – nơi nấu ăn của hai bố con Tuấn không may bị sập, khiến cho cuộc sống vốn đã khó khăn ngày càng chồng chất khó khăn. Nắm bắt được thông tin, chị Trang cùng cán bộ Đoàn phường Tân Sơn đã kịp thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ gia đình em sửa sang lại căn nhà.
“Sau gần một tháng sửa chữa với kinh phí khoảng 50 triệu đồng, căn nhà của gia đình em đã trở nên kiên cố hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đề xuất với Thành đoàn TP Thanh Hóa hỗ trợ dụng cụ, thiết bị sinh hoạt cho gia đình em”, chị Trang nói.
Bên cạnh đó, nữ Bí thư Đoàn phường Tân Sơn còn kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình em, với mức 500 nghìn đồng/tháng, duy trì cho đến khi Tuấn tốt nghiệp THPT.
Ngoài hỗ trợ về kinh tế, với tư cách là Bí thư Đoàn phường, chị Trang đã trao đổi với lãnh đạo Trường THCS Tân Sơn, giao nhiệm vụ cho Bí thư Đoàn trường kèm cặp, phụ đạo thêm cho Tuấn khi cần; Đồng thời, hỗ trợ sách vở đầu năm học.
Xúc động khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, Tuấn niềm nở: “Em rất vui mừng và biết ơn trước sự quan tâm, sẻ chia của anh, chị Đoàn phường cũng như các nhà hảo tâm. Với bản thân mình, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của tất cả mọi người”.
Ngoài trường hợp của Tuấn, Đoàn phường Tân Sơn còn kêu gọi hỗ trợ thêm cho 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác sống trên địa bàn gồm: Em Nguyễn Thùy Dung (lớp 9B, Trường THCS Điện Biên), Vũ Minh Đức (lớp 8B, Trường THCS Điện Biên) và em Phạm Đình Ji Ha (lớp 8B, Trường THCS Tân Sơn).
“Mục đích của mô hình là hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, do đó có những em sức học còn chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, sau khi triển khai mô hình này chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ phía gia đình và nhà trường. Đặc biệt, ý thức học tập của các em đã tiến bộ trông thấy”, chị Trần Huyền Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Em nuôi của Đoàn”. Đối với những em không có nhu cầu học lêp cấp ba hoặc đại học, Đoàn phường sẽ liên kết với các đơn vị để tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho các em.
Mang lại sự trưởng thành, tự tin và bản lĩnh
Ngoài mô hình “Em nuôi của Đoàn”, chị Trang còn là người khởi xướng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác. Trong đó, “Ngôi nhà thu gom phế liệu” được triển khai năm 2019, đã vinh dự được Tỉnh đoàn Thanh Hóa chọn là mô hình điểm của năm.
Hiện tại, đã có 10 ngôi nhà thu gom phế liệu được đặt tại các điểm công cộng ở 10 tổ dân phố trên địa bàn phường Tân Sơn. Toàn bộ số tiền có được từ việc bán phế liệu, Đoàn phường sẽ dùng để mua quà tặng cho học sinh nghèo vào các dịp lễ, Tết.
Ngoài các mô hình thiết thực hướng về cộng đồng, Đoàn phường Tân Sơn còn ghi dấu ấn với các ý tưởng “Cột điện nở hoa”, “Lốp xe nở hoa”, hay biến lốp xe thành biển báo an toàn giao thông, phòng chống Covid-19…
“Chứng kiến những cây cột điện trên địa bàn phường thường xuyên bị dán quảng cáo, rao vặt… làm mất đi hình ảnh đô thị văn minh, chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng vẽ những bông hoa xinh xắn trên những cây cột điện. Đến nay, đã có khoảng 200 cột điện được “nở hoa” cùng 300 gốc cây xanh được quét vôi phòng bệnh.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã biến các lốp xe thành những lẵng hoa cúc đặt tại các nhà văn hóa trên địa bàn phường. Hiện tại, những lẵng hoa đã được thay thế bằng những cây chuỗi ngọc xanh mướt”, nữ Bí thư Đoàn phường Tân Sơn bộc bạch.
Ngoài những ý tưởng độc đáo, Đoàn phường Tân Sơn còn tích cực xây dựng khu phố văn minh, thân thiện. Cụ thể, đã khánh thành 2 khu vui chơi dành cho thanh, thiếu niên tại tổ dân phố Lam Sơn và Lê Văn Hưu, cùng khu tập luyện thể dục thể thao tại tổ dân phố Dương Đình Nghệ.
Tổng kinh phí cho 3 công trình khoảng 110 triệu đồng, trong đó người dân tự nguyện đóng góp khoảng 70 triệu đồng. Còn lại, chị Trang kêu gọi hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm.
Theo chị Trang, thời gian tới Đoàn phường sẽ phối hợp với Công an phường và các trường học trên địa bàn tiếp tục triển khai mô hình: Cổng trường tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an TP Thanh Hóa triển khai khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội tại khu phố Dương Đình Nghệ 1.
Chia sẻ về công việc đã gắn bó nhiều năm, chị Trang cho rằng đó là cái “duyên”. Bởi, bản thân chị tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Trung, nên từng có suy nghĩ sẽ làm những công việc thuộc chuyên ngành, như: Hướng dẫn viên du lịch hay phiên dịch…
“Trong quá trình tham gia công tác Đoàn từ khi còn là sinh viên mỗi dịp về địa phương, tôi cảm thấy vô cùng hào hứng. Tốt nghiệp đại học, tôi chỉ nghĩ rằng muốn làm điều gì đó ý nghĩa, thiết thực cho quê hương và rồi bén duyên với công tác Đoàn.
Đoàn không mang lại những thứ có thể đong, đếm được nhưng đã mang lại sự trưởng thành, tự tin và đầy bản lĩnh cho tôi. Đặc biệt hơn, khi tham gia hoạt động Đoàn, tôi được làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, tôi càng thôi thúc bản thân nỗ lực hơn nữa để không còn những mảnh đời bất hạnh”, chị Trang tâm sự.
Chị Lê Ngọc Ánh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa – cho biết: “Đồng chí Trần Huyền Trang là gương mặt quen thuộc, năng nổ trong các hoạt động Đoàn tại địa phương, với nhiều hoạt động được đánh giá cao. Bên cạnh đó, đồng chí còn thường xuyên góp mặt trong danh sách được đề xuất khen thưởng”.
Theo chị Ánh, giải thưởng Lý Tự Trọng là giải thưởng cao quý của Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng cho những cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc trong lãnh, chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi tại đơn vị.