Tương lai sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Tú Anh

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo đang đặt ra câu hỏi lớn đối với các hoạt động giảng dạy và đánh giá giáo dục trên thế giới.
Trí tuệ nhân tạo có thể thay người học làm bài tập.
Trí tuệ nhân tạo có thể thay người học làm bài tập.

Thay vì ngăn cấm người học sử dụng trí tuệ nhân tạo, các cơ sở giáo dục cần thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh giá để phát huy tiềm năng của mô hình này.

Cuối năm 2022, Công ty công nghệ OpenAI đã cho ra mắt mô hình chatbot ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi chi tiết như con người. Mô hình này có thể viết lời bài hát, viết mã lập trình hay hoàn thành một bài kiểm tra tuyển dụng của Microsoft.

Sử dụng công nghệ ngôn ngữ GPT-3.5, ChatGPT được xây dựng dựa trên một lượng lớn dữ liệu văn bản từ nhiều nguồn khác nhau. Mô hình này đã được hàng triệu người trên thế giới sử dụng, trong đó có học sinh, sinh viên, từ đó, đặt ra câu hỏi về tương lai của giáo dục dưới thời kỳ phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo ông Vitomir Kovanovic, giảng viên cấp cao về phân tích học tập, Trường Đại học Nam Australia, các trường phổ thông, đại học chủ yếu đánh giá dựa trên sản phẩm học tập của học sinh, thường trình bày dưới dạng một bài luận hoặc bài tự luận.

Tuy nhiên, học sinh, sinh viên có thể nhờ đến sự trợ giúp của AI để hoàn thành bài tập. Nói cách khác, bài tập của học sinh, sinh viên không phản ánh chính xác trình độ học tập của các em nếu các em sử dụng AI “gian lận”. Để giải quyết vấn đề trên, giảng viên Vitomir cho rằng thay vì cấm AI trong giáo dục, cần tìm cách sử dụng để hỗ trợ việc dạy và học.

Đầu tiên là tích hợp AI vào lớp học, giảng đường. Lịch sử đã chỉ ra rằng các tổ chức giáo dục có thể thích ứng với công nghệ mới. Vào những năm 1970, khi máy tính xách tay trở nên phổ biến, các nhà toán học đã lo ngại về tương lai của môn học này, song nó vẫn là một trong những môn văn hóa quan trọng hiện nay. Do đó, các mô hình AI nên được tích hợp một cách có ý nghĩa vào việc dạy và học.

Tiếp đó, ông Vitomir cho rằng, các cơ sở giáo dục cần đánh giá học sinh về tư duy phản biện. Một điều mà mô hình AI không thể mô phỏng được là quá trình học tập và trí tuệ cảm xúc của học sinh.

Nội dung bài tập dành cho học sinh, sinh viên có thể chuyển từ chỉ đánh giá kết quả sang đánh giá toàn bộ quá trình dẫn người học đến với sản phẩm này. Sau đó, trọng tâm được đặt thẳng vào tư duy phản biện, tính sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh.

Với cách ra đề này, học sinh có thể tự do sử dụng AI để làm bài tập và vẫn được chấm điểm dựa trên thành tích của bản thân.

Cuối cùng là việc đánh giá những điều quan trọng. Thay vì chuyển sang kiểm tra tại lớp để cấm người học sử dụng AI, các nhà giáo dục có thể thiết kế các bài đánh giá tập trung vào những nội dung mà học sinh cần hiểu, biết để thành công trong tương lai.

Các mô hình AI sẽ ngày càng được sử dụng trong các lĩnh vực khi công nghệ được mở rộng. Nếu sinh viên sẽ sử dụng AI tại nơi làm việc tương lai của họ, tại sao không thử nghiệm chúng ngay bây giờ? Đơn cử, hãy yêu cầu người học sử dụng AI để hoàn thành một nhiệm vụ mà các em có thể gặp phải trong môi trường làm việc thực tế.

“AI đang khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về giáo dục. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận nó, nó có thể trao quyền cho học sinh và giáo viên”, ông Vitomir bày tỏ.

Theo The Conversation