Quy định cấp phó trong cơ sở giáo dục: Bất cập từ chính sách (theo GD&TĐ)

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

TS Nguyễn Thị Hương (Phó Trưởng phòng Chính sách, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT)

 

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ – Theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí không quá 2 cấp phó. Quy định này đã có tác động trực tiếp tới gần 28.000 cơ sở giáo dục phổ thông công lập trong toàn quốc, khiến nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh… dở khóc dở cười.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trường thì thiếu…

Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Trong Nghị định này có một nội dung quan trọng được điều chỉnh là quy định về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) được bố trí không quá 2 cấp phó. Quy định này đã có tác động trực tiếp tới các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trong toàn quốc.

Theo số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, toàn quốc có khoảng 28.000 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, gồm: 14.376 trường tiểu học, 11.053 trường THCS và 2.446 trường THPT. Thực tế, ở các địa phương, về cơ bản, các trường mầm non, tiểu học, THCS luôn có quy mô số lớp dưới 18 lớp và giữ ổn định.

Lý do, vì xã/phường/thị trấn nào cũng có đủ trường cho 3 cấp học nêu trên (trừ các thành phố lớn hoặc các khu vực phường/thị xã/thị trấn tại các địa phương do đặc thù về kinh tế, xã hội nên có tình trạng dân số tăng cơ học cao). Trong khi đó, mỗi huyện/quận/thành phố của các tỉnh chỉ có 2 – 3 trường THPT, thậm chí có nơi chỉ có 1 trường. Do vậy, nếu so sánh về quy mô số lớp giữa các cấp học, thì trường THPT luôn trong trạng thái cao.

Theo thống kê nhanh của 3 thành phố lớn, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, số liệu của các trường phổ thông có quy mô từ 28 lớp trở lên rất nhiều.

Như tại thành phố Hà Nội: Có 288/709 trường tiểu học có quy mô từ 28 lớp trở lên, trong đó có 23 trường có quy mô trên 50 lớp, trường tiểu học có quy mô lớn nhất lên tới 85 lớp. Thành phố có 161/612 trường THCS quy mô từ 28 lớp trở lên, trong đó có 9 trường có quy mô từ 50 lớp trở lên, thậm chí có trường lên tới 77 lớp. Với trường THPT, Hà Nội có 108/121 trường quy mô từ 28 lớp trở lên, trong đó có 3 trường có quy mô trên 50 lớp.

Tại TP Hồ Chí Minh: Có 97/108 trường THPT quy mô trên 28 lớp; trong đó có 59/108 trường có trên 40 lớp, trường THPT có quy mô lớn nhất lên tới 79 lớp.

Tại TP Hải Phòng: 100% các trường THPT có quy mô trên 28 lớp; trong đó có 9 trường có quy mô trên 35 lớp. Trường THPT có quy mô lớn nhất lên tới 56 lớp.

Thực tế cho thấy, việc bố trí số lượng cấp phó theo quy mô trường (tính trên cơ sở số lớp, theo vùng miền) như quy định hiện tại của Bộ GD&ĐT là phù hợp và các địa phương đã thực hiện ổn định nhiều năm nay. Vì vậy, thời gian vừa qua, khi thực hiện Nghị định số 120, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong bố trí cán bộ quản lý, triển khai các công việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập có quy mô lớn và các cơ sở giáo dục chuyên biệt (trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú), nhất là trường phổ thông dân tộc nội trú do thêm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối với học sinh ở lại tại trường.

Quy định cấp phó trong cơ sở giáo dục: Bất cập từ chính sách ảnh 1
TS Nguyễn Thị Hương phát biểu tại 1 hội thảo tham vấn ý kiến chuyên môn phục vụ xây dựng chính sách cho nhà giáo.

Nơi có thể thừa

Tuy nhiên, nếu theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, tất cả cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập không phân biệt quy mô lớp đều được bố trí không quá 2 cấp phó. Do đó, trường hợp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có quy mô dưới 28 lớp bố trí 2 cấp phó vẫn bảo đảm đúng quy định hiện hành. Với quy định này, nếu không có chế tài kiểm soát chặt chẽ có thể có nguy cơ tăng số lượng cấp phó trong các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS.

Ví dụ, toàn tỉnh Phú Thọ có 826 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, tổng số cấp phó hiện có là 1.373 người, bình quân 1,66 cấp phó/trường (mầm non: 1,96 cấp phó/trường; tiểu học: 1,3 cấp phó/trường; trung học cơ sở: 1,2 cấp phó/trường và trung học phổ thông: 2,9 cấp phó/trường), thấp hơn mức bình quân 2 cấp phó/trường. Tại TP Hải Phòng, theo tính toán, nếu thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, khối các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS của thành phố sẽ tăng thêm khoảng trên 300 phó hiệu trưởng (vì các trường này trước đây chỉ có 1 cấp phó).

Như vậy, bất cập trong quy định về số lượng cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP là ở chỗ: Đối với các trường trung học phổ thông có quy mô lớn thì việc giảm số lượng cấp phó sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, liên quan trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Trong khi đó, đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS có quy mô nhỏ, không có cơ sở và chế tài để quản lý việc bổ nhiệm tăng số lượng cấp phó từ 1 người lên 2 người sẽ tạo ra nguy cơ tăng số lượng lên rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ lương và các chính sách về phụ cấp chức vụ liên quan.

Những vấn đề khi thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP cho thấy: Trong quy định chính sách hiện nay, việc áp dụng một quy định chung cho tất cả ngành, lĩnh vực sẽ làm phát sinh những vướng mắc, bất cập nhất định. Thực tế này cũng đặt ra cần điều chỉnh quy định về số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần bố trí không quá 3 cấp phó bao gồm: Trường THPT có quy mô từ 28 lớp trở lên; trường phổ thông nhiều cấp học có quy mô từ 28 lớp trở lên; trường có từ 5 điểm trường trở lên và trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.